TRUNG THU XƯA – KÍ ỨC KHÓ PHAI

 TRUNG THU XƯA – KÍ ỨC KHÓ PHAI

          “Thùng thà thùng thình trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh…”  Mỗi lần nghe tiếng trống sư tử, tiếng trống ếch vang lên rộn ràng ở mỗi thôn làng, lòng tôi lại bồi hồi, xao xuyến nhớ về Tết trung thu trong thời niên thiếu của mình.

          Ngày ấy, bọn trẻ trâu chúng tôi vô cùng hồn nhiên. Chúng tôi chào đón tết Trung thu còn hơn cả chào đón tết Nguyên Đán bởi Tết Nguyên Đán do người lớn chuẩn bị và tổ chức, còn Tết trung thu chúng tôi được tham gia rất nhiều hoạt động, có lẽ đó chính là điều mà chúng tôi cảm thấy Tết trung thu vui hơn nhiều. Cách trung thu chừng nửa tháng chúng tôi đã háo hức chuẩn bị mọi thứ: nào là làm đèn ông sao; cắt giấy màu trang trí quấn vòng để biểu diễn; tập các tiết mục văn nghệ, đóng kịch, ngâm thơ… Nhà tôi và mấy bạn nhà có tre đều xung phong chặt tre làm cổng trại, cột trại, hàng rào. Sau khi xin phép bố, tôi ra bụi tre lựa những cây tre thật thẳng thật đẹp chặt xuống. Phần gốc thường được tôi lựa làm cổng trại, cột trại, phần còn lại chẻ ra để làm hàng rào. Tuy tuổi nhỏ nhưng chúng tôi tự làm lấy hết,  không ai thấy mệt, chẳng ai thấy khó khăn vất vả. Thời ấy, chúng tôi thiếu thốn rất nhiều nhưng lòng nhiệt huyết, sự háo hức đón Tết trung thu thì không thua kém gì các bạn nhỏ bây giờ.

          Sáng ngày 13 tháng 8 âm lịch, mỗi đứa cầm trên tay một bò gạo mang đến nộp tại nhà bác trưởng thôn để các bác nấu cơm trưa hôm rằm cho chúng tôi.

             Chiều 14, chúng tôi cùng nhau cắm trại. Với những thứ đã chuẩn bị sau khi ban tổ chức tuyên bố khai mạc trại tất cả chúng tôi mỗi người một việc cùng bắt tay làm. Công đoạn cắm trại nhanh là một trong những tiêu chí chấm trại thu. Tiếp đến là hoạt động trang trí, các bạn trai giúp thầy cô và các anh chị phụ trách trong việc dựng trại, các bạn gái giúp thầy cô trang trí khâu mái trại, cắt hoa trang trí trại. Đến tối, các trại đều được trang trí thật đẹp mắt mới nhiều màu sắc muôn hình, muôn vẻ. Lúc này khi xong công việc cắm trại và trang trí trại, chúng tôi dắt tay nhau đi xem cùng bình luận trại nào đẹp, trại nào trang trí ấn tượng. Nhiều lúc tranh luận không ngã ngũ chúng tôi đành đánh cược với nhau xem trại nào sẽ xếp thứ nhất. Tất nhiên, ai trong chúng tôi cũng mong muốn giải nhất thuộc về trại của mình.

            Sáng 15, chúng tôi tiếp tục tới khu vực cắm trại và tham gia các trò chơi truyền thống như: Kéo co; bịt mắt bắt dê; bịt mắt đánh trống; nhảy dây; ném bóng trúng đích…Các trò chơi được chúng tôi tham gia rất vui vẻ. Những người thắng trong các cuộc thi không có quà hay phần thưởng nhưng lại được xướng tên trên loa của ban tổ chức. Khỏi phải nói chúng tôi vui như thế nào khi tên mình và đội mình được đọc trên loa, có đứa phấn khích quá còn nhảy và hét to lên thích thú.

           10 giờ sáng, chúng tôi về nhà mỗi đứa cầm trên tay một cái bát ăn cơm, một đôi đũa tre và tiến về nhà bác trưởng thôn, nơi đó đã sắp sẵn những mâm cỗ do các bà, các cô trong hội phụ nữ nấu dành cho chúng tôi. Ngay trên đường đi, chúng tôi đã cùng nhau xếp thành những đội 6 đứa một để thành mâm, cùng ăn cỗ. Ngày xưa, được ăn cỗ là niềm ao ước đối với chúng tôi. Mâm cỗ không có nhiều đồ ngon như bây giờ, chỉ có 2 bát chuối nấu, 1 đĩa rau xào, một đĩa thịt lợn luộc, một bát mắm, năm nào thôn tổ chức giết lợn thì còn có thêm được đĩa lòng nhưng với chúng tôi cỗ trung thu thật là to. Chẳng ai bảo ai, chúng tôi cùng nhau ăn hết các món rau, còn thịt sau bữa liên hoan chúng tôi chia đều để các bạn mang phần về nhà. Tuy mỗi đứa chỉ được vài ba miếng thịt đem về nhưng những đứa em của chúng tôi thích lắm, chúng khoe với mọi người có anh chị đem phần về cho với sự tự hào và hãnh diện chẳng khác gì nhận được quà của người đi xa về cho. Đó là những kí ức vui vẻ và thật khó phai mờ trong mỗi chúng tôi.

           Thế rồi, đêm trung thu cũng đến. Trẻ con khắp thôn tung tăng nhảy múa với đèn ông sao trên tay, chúng tôi tiến về sân đình. Màn múa sư tử được bọn trẻ chúng tôi cổ vũ rất nhiệt tình, tiếng vỗ tay xen lẫn tiếng reo hò khiến không khí trở nên vô cùng sôi động. Tiếp theo là màn biểu diễn văn nghệ do chính chúng tôi, những thiếu niên nhi đồng của thôn biểu diễn cùng các tiết mục của các anh chị thanh niên, các cô phụ nữ và cả những bài thơ do các cụ cao tuổi sáng tác và biểu diễn. Tuy không có được sân khấu hoành tráng, không có được âm thanh sắc nét nhưng khỏi phải nói chúng tôi đã vui mừng biết chừng nào. Cuối buổi biểu diễn, chúng tôi xếp thành những hàng dài trên sân đình chờ các cô các bác đem bánh kẹo hoa quả để phát cho chúng tôi. Có đứa láu cá, láu tôm xếp ở đầu hàng được phát quà xong lại chạy xuống xếp cuối hàng để được phát quà lần 2. Đúng thật là “Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”.  Phần bánh kẹo, hoa quả nhận được trong đêm trung thu chúng tôi lại đem về gia đình cùng những người trong gia đình phá cỗ trông trăng. Cả trong đêm mơ, tiếng trống sư tử với lời bài hát ” Thùng thà thùng thình trống rộn ràng ngoài đình. Có con sư tử vui múa quanh vòng quanh…” vẫn vang trong tâm trí chúng tôi.

              Trung thu xưa thế đấy! Nó hồn nhiên, giản dị, nhiều màu sắc, không kém phần hấp dẫn nhưng cũng đầy ý nghĩa. Không có máy ảnh hay điện thoại để ghi lại những hình ảnh đẹp đáng nhớ như bây giờ nhưng với tôi và bao bạn cùng trang lứa – những đứa trẻ một thời lấy lưng trâu làm bàn học, Tết trung thu xưa vẫn đẹp biết bao. Nó trở thành những kí ức vui vẻ theo chúng tôi đến suốt cả cuộc đời.

             Ngày nay, đời sống đã có rất nhiều đổi thay, các em thiếu niên, nhi đồng được ăn ngon, mặc đẹp, được cắm trại, được tham gia phá cỗ trung thu với đầy đủ cơ sở vật chất. Được chứng kiến các hoạt động của các em trong Tết trung thu, tôi thấy rất mừng khi các em được sống trong cảnh thái bình, no ấm. Tôi tin tưởng rằng các em, những chủ nhân tương lai của đất nước sẽ chăm ngoan, học giỏi để xây dựng đất nước giàu mạnh như Bác Hồ từng mong muốn Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em.  

                       Nguồn: Nguyễn Thị Thu Hà – Phó hiệu trưởng