Báo cáo các hoạt động theo mô hình trường học mới VNEN

Untitled

TRƯỜNG TIỂU HỌC NAM THƯỢNG

 

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ VIỆC THỰC HIỆN

MÔ HÌNH TRƯỜNG HỌC MỚI VNEN NĂM HỌC 2015 – 2016

 

  1. Những công việc đã triển khai thực hiện

– Năm học 2015-2016 trường Tiểu học Nam Thượng triển khai thực hiện theo mô hình trường học mới VNEN nhân rộng nhằm đổi mới phương pháp dạy – phương pháp học, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cùng với việc đảm bảo chất lượng dạy học theo Chuẩn kiến thức, kỹ năng các môn học và các hoạt động giáo dục, nhà trường đặc biệt quan tâm giáo dục kỹ năng sống để hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh.

– Ngay từ trong hè, nhà trường đã cử cán bộ quản lý và giáo viên nghiêm túc thực hiện đầy đủ các lớp tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ theo mô hình trường học mới VNEN.

– Trường đã dành thời gian để tập huấn cho toàn bộ giáo viên trong nhà trường về mô hình trường học mới với thời gian tập huấn là 4 ngày. Trong thời gian tập huấn, toàn bộ giáo viên đã tích cực tham gia với tinh thần tích cực, tự giác với quyết tâm thực hiện thành công mô hình trường học mới.

–  Song song với việc tập huấn cho giáo viên, nhà trường còn tổ chức Đại hội phụ huynh học sinh nhằm tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh về những đổi mới khi thực hiện mô hình trường học mới. Nhà trường đã nhận được sự đồng thuận của phần lớn phụ huynh học sinh và các tầng lớp xã hội tham gia.

– Trong quá trình thực hiện mô hình trường học mới VNEN nhà trường có rất nhiều thuận lợi tuy nhiên cũng có không ít những khó khăn gặp phải. Sau đây là những thuận lợi và khó khăn của nhà trường khi thực hiện dạy học theo mô hình trường học mới VNEN.

          * Thuận lợi:

+  Nhà trường luôn luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo và chỉ đạo sát xao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương và các cấp quản lí giáo dục;  Có sự nhiệt tình ủng hộ, giúp đỡ của cha mẹ, phụ huynh học sinh và nhân dân địa phương trong việc chăm lo xây dựng các điều kiện để tập trung nâng cao chất lượng dạy học và  giáo dục toàn diện cho HS.

+  Đội ngũ CBGVNV của nhà trường luôn luôn đoàn kết, gương mẫu chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và của địa phương, thường xuyên thực hiện tốt kỷ cương nề nếp trường học theo quy định, có tinh thần trách nhiệm, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, có ý chí vươn lên trong giảng dạy và công tác để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

+ Cơ sở vật chất và kĩ thuật trường học đã đạt và ngày càng phát huy tốt hiệu quả của “Trường chuẩn Xanh – Sạch – Đẹp – An toàn”, “Trường chuẩn Quốc gia Mức độ II”, “Thư viện trường Tiểu học đạt chuẩn”, đảm bảo các điều kiện cơ bản để tập trung nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đồng thời đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng Trường học thân thiện – Học sinh tích cực”.

+  Phong trào học tập và rèn luyện toàn diện của HS ngày càng tiến bộ rõ rệt, kỉ cương nề nếp HS có nhiều chuyển biến, chất lượng HS ngày càng được nâng lên vững chắc.

+  Phong trào XHHGD và khuyến học khuyến tài ngày càng phát triển mạnh cả bề rộng và chiều sâu.

* Khó khăn:

+  Năm học 2015-2016 là năm học trường Tiểu học Nam Thượng thực hiện nhân rộng mô hình trường học mới Việt Nam, là năm học nhà trường thực hiện Kiểm định chất lượng đánh giá ngoài và Kiểm tra công nhận lại Trường chuẩn Quốc gia mức độ II sau 5 năm, nên nhà trường gặp nhiều khó khăn về đội ngũ, về trang thiết bị một số phòng chức năng mới xây dựng, đặc biệt là thiếu thốn về nguồn kinh phí hỗ trợ các hoạt động.

+ Số lượng học sinh ít, đời sống nhân dân địa phương thu nhập thấp, nên việc huy động các nguồn lực xã hội hóa từ CMHS và các nhà tài trợ để xây dựng CSVC, tu bổ cảnh quan, mua sắm trang thiết bị còn gặp nhiều khó khăn.

+ Một bộ phận cha mẹ học sinh đi làm ăn xa, sự phối kết hợp giữa nhà trường và gia đình trong việc quản lí và giáo dục học sinh đôi khi chưa chặt chẽ, còn gặp nhiều khó khăn. Phần ứng dụng thực tế cuộc sống, học sinh không được chia sẻ cùng bố mẹ, ông bà thì trình độ thấp không thể giúp học sinh giải đáp được những băn khoăn thắc mắc trong học tập và việc sử dụng các kiến thức đã học vào cuộc sống.

  1. Những kết quả đạt được:

Sau gần một năm học triển khai thực hiện theo mô hình trường học mới nhà trường đánh giá được một số những thành công cơ và những hạn chế bản sau:

  1. Những thành công:

–  Về công tác chỉ đạo quản lý: BGH nhận thức được thực hiện theo mô hình trường học mới chính là điều kiện thuận lợi nhất để giúp cho GV có được những điều kiện nhằm thực hiện đổi mới phương pháp dạy học. Mặt khác thực hiện mô hình trường học mới còn giúp tiếp cận gần hơn đối với chương trình giáo dục phổ thông của BGD, giúp cho giáo viên thực hiện tốt hơn việc đánh giá học sinh theo thông tư 30 của BGD và phát huy được tối đa điều kiện về cơ sở vật chất của nhà trường. Từ những vấn đề nêu trên kết hợp với sự bàn bạc thống nhất trong BGH nhà trường, sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên và Ban đại diện cha mẹ HS, BGH trường đã quyết tâm đăng ký tham gia mô hình trường học mới nhân rộng trong năm học 2015-2016.

– Giáo viên quyết tâm thực hiện các hoạt động giảng dạy và giáo dục học sinh theo đúng mô hình trường học mới, không lẫn lộn giữa mô hình cũ và mới. Nhà trường đã trang bị toàn bộ các tài liệu về mô hình trường học mới để giáo viên tham khảo và học tập. Xây dựng thời khóa biểu phù hợp giúp GV thực hiện có hiệu quả các môn học và các hoạt động giáo dục .

– Không gian lớp học được xây dựng bằng chính bàn tay của GV, HS và CMHS nên rất thiết thực, các công cụ học tập trong lớp được khai thác một cách có hiệu quả.

– Thực hiện đúng theo tinh thần của mô hình trường học mới: giữ nguyên nội dung chương trình, chuẩn kiến thức kĩ năng các môn học và các hoạt động giáo dục, chỉ đổi mới về phương pháp và các hình thức tổ chức dạy học. Nhà trường đã thuyết phục phụ huynh học sinh mua sắm đầy đủ tài liệu bao gồm sách hướng dẫn học các môn học và các hoạt động giáo dục, vở thực hành các môn học.  Kết quả: 100% HS có đầy đủ tài liệu học tập, đáp ứng được yêu cầu khi thực hiện mô hình trường học mới.

–  Nhà trường đã tổ chức thực hiện tốt tuần trống đầu năm học. Ở tuần này, tổ chức bầu hội đồng tự quản các lớp, hội đồng tự quản nhà trường, xây dựng không gian học tập trong lớp bao gồm các góc học tập, các công cụ học tập với sự tham gia của giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh các lớp. Trong các giờ học, giáo viên đã tổ chức tốt việc học tập trên lớp cho học sinh theo quy trình 5 bước dạy học với giáo viên và quy trình 10 bước học tập với học sinh. Đầu mỗi buổi học giáo viên thường tổ chức cho học sinh chia sẻ các hoạt động ứng dụng đã được cô giáo hướng dẫn về nhà tìm hiểu và chia sẻ với người thân.

– Tổ chức lớp học: Từ khối 2 đến khối 5 các lớp đều có cơ cấu tổ chức lớp học với 1 hội đồng tự quản bao gồm các ban tự quản. Các ban trong hội đồng tự quản các lớp đều tự lập được kế hoạch hoạt động theo tuần, tháng và được đánh giá thường xuyên. Trong các giờ học hội đồng tự quản thường xuyên tổ chức cho các bạn tham gia các hoạt động học tập, các trò chơi học tập và hoạt động chia sẻ trong các tiết học, các buổi học, tạo được không khí sôi động trong các giờ học hiệu quả học tập cao.

– Hội đồng tự quản của các lớp chính là bộ phận trong hội đồng tự quản nhà trường, luôn được hoạt động một cách thường xuyên, hiệu quả. Các thành viên trong hội đồng tự quản các lớp, và hội đồng tự quản nhà trường khá tự tin, năng động, tích cực tham gia các hoạt động của trường lớp. Điều đó được thể hiện ở chỗ các giờ sinh hoạt đầu tuần, các buổi lễ của nhà trường dưới sự cố vấn của các thầy cô, các em đã tự lập kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả được các bậc phụ huynh học sinh và các tầng lớp xã hội ghi nhận.

– Thực hiện tốt việc đánh giá học sinh theo thông tư 30 của BGD đó là GV đánh giá HS, HS tự đánh giá và đánh giá lẫn nhau, có sự tham gia đánh giá của CMHS và của cộng đồng.

– Việc sinh hoạt chuyên môn của GV đã đi vào nề nếp đặc biệt nhà trường đã chỉ đạo cho các tổ chuyên môn thực hiện nghiêm túc nội dung Thông tư 86 của bộ GD với 6 nội dung sinh hoạt chuyên môn. Mỗi tháng các tổ chuyên môn đều có 4 buổi SHCM trong đó có 1 buổi SHCM về điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học và sắp xếp chương trình theo thời khoá biểu để có thể thực hiện hợp lý và có hiệu quả các giờ học, 2 buổi SHCM theo hướng dự giờ nghiên cứu bài học trong đó đi sâu vào các nội dung: tổ chức lớp học, đánh giá HS, khai thác không gian lớp học và các công cụ học tập trong lớp, tổ chức các hoạt động ứng dụng trong và sau các giờ học.

– Chất lượng giáo dục: Học sinh thực sự tự tin khi tham gia học tập và tham gia các hoạt động giáo dục, tích cực tham gia hoạt động nhóm có ý thức tự học và hợp tác trong nhóm, biết giúp đỡ và hỗ tợ bạn khi cần thiết. Đặc biệt học sinh luôn chủ động tham gia các hoạt động do trường, lớp tổ chức, biết tự tổ chức các sự kiện các buổi liên hoan như: tổ chức sinh nhật bạn, tổ chức sinh hoạt theo chủ điểm, tổ chức thi kể chuyện, giới thiệu sách …

  1. Những tồn tại:

– Về phía phụ huynh và cộng đồng: Địa bàn dân cư thuộc khu vực nông thôn dân cư chủ yếu sống bằng nghề nông nên nhận thức của người dân còn khá hạn chế, nhiều phụ huynh đi làm xa để con ở cùng ông bà già, trình độ thấp. Phần lớn học sinh về chia sẻ các hoạt động ứng dụng với ông bà cha mẹ đều không được sự hướng dẫn chỉ bảo phù hợp, có những học sinh không nhận được sự chia sẻ từ ông bà cha mẹ, có những học sinh bị hướng dẫn sai nên đôi khi có tác dụng ngược lại đối với quá trình giáo dục HS.

– Sự tham gia của CMHS và cộng đòng còn khá khiêm tốn, chưa tạo thành phong trào có bề rộng và chiều sâu. Hiểu biết của CMHS và cộng đồng về mô hình trường học mới thường chưa được đầy đủ chính xác và hay bị những tác động bên ngoài qua các kênh thông tin khác nhau làm cho niềm tin của CMHS và của xã hội vào mô hình trường học mới không thật sự bền vững, ảnh hưởng không nhỏ đến việc thực hiện mô hình trường học mới.

– Về phía giáo viên: Một số giáo viên khả năng tuyên tuyền và vận động phụ huynh chưa hiệu quả. Một số GV khác khá lúng túng trong việc đổi mới phương pháp dạy học, tổ chức lớp học chưa thật hiệu quả nên chất lượng giảng dạy và giáo dục chưa cao.

– Các hoạt động trải nghiệm, tham quan, dã ngoại còn ít được thực hiện hoặc thực hiện chưa được hiệu quả do chưa có kinh phí thực hiện, phụ huynh ít quan tâm hỗ trợ giáo viên và nhà trường

III Đề xuất kiến nghị:

– PGD tiếp tục tổ chức các buổi hội thảo, SHCM để các trường tổ chức thành công mô hình trường học mới chia sẻ kinh nghiệm và những thành công của đơn vị mình cho các đơn vị bạn học tập.

– Các cấp quản lý hỗ trợ thêm kinh phí cho nhà trường để nhà trường mua sắm thêm một số trang thiết bị cần thiết như máy phô tô, máy in… để giúp giáo viên in phiếu học tập, nội dung điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học, tạo điều kiện tốt nhất để giáo viên thực hiện tốt mô hình trường học mới VNEN.