BÀI VIẾT DỰ THI  VỀ ĐỀ TÀI PHÒNG CHỐNG DỊCH COVID 19 GIÁO VIÊN TRƯỜNG TÔI THỜI COVID19

 

          Như chúng ta đã thấy virút corona đã làm cả thế giới chao đảo. Các cường quốc như Mỹ, Ý, Nga… đều đã bị tổn thất to lớn. Ngay cả Singapo, một quốc gia mạnh về giáo dục và y tế ở Đông Nam Á và trên thế giới, khi mà nước ta đã cho GV, HS nghỉ chống dịch Covid19 thì họ vẫn tự tin cho HS đến trường vì có đầy đủ phương tiện hỗ trợ sức khỏe, y tế cho HS học tập. Thế mà giờ đây Singapo cũng trở thành một quốc gia có số người mắc bệnh Covid 19 lớn nhất Đông Nam Á.

          Ở nước ta với tinh thần “ Chống dịch như chống giặc”, toàn dân ta đã tham gia một cách tích cực vào công cuộc chống vỉut Corona. Nhiều hành động đẹp, nhiều tấm gương sáng về tinh thần phòng chống dịch, về sự tương thân tương ái trong cộng đồng đã được các báo đài đăng tải. Cũng trong dịp này đã có rất nhiều sáng kiến của các tập thể cá nhân y bác sĩ như những chế phẩm sinh học, những thiết bị xét nghiệm covid 19 ra đời được sử dụng có hiệu quả, được thế giới công nhận và đặt mua. Đối với lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, nhiều tác phẩm âm nhạc, tác phẩm mỹ thuật, những bài thơ, câu chuyện được sáng tác để cổ động phong trào chống dịch covid19 đã có sức lan tỏa và đạt được hiệu quả tuyên truyền rõ rệt.

          Khi PGD phát động cuộc thi về đề tài “ Ngành Giáo dục với phong trào phòng chống dịch covid 19”, bản thân tôi rất hưởng ứng phong trào này, tuy nhiên lại cảm thấy mình không có khả năng như sáng tác những  tác phẩm văn thơ,  âm nhạc, video hay tranh ảnh nên chỉ mạo muội tản mạn “Những câu chuyện của GV trường tôi thời cô vít 19”.

Như chúng ta đã biết, kỳ nghỉ Tết năm nay là kỳ nghỉ dài nhất trong lịch sử. Thật vậy, nghỉ mà tâm trạng của GV, HS đều không vui, không thoải mái lại còn chen vào đó là nỗi lo dịch bệnh, nỗi lo chương trình. Cũng chưa từng có năm học nào mà cả GV và HS đều mong muốn được đến trường như năm nay. Vì thế những câu chuyện về GV trường tôi thời côvid 19 cũng là những câu chuyện khó quên.

Chúng ta cùng trở lại những ngày đầu khi lệnh đóng của các trường học được ban hành. Ban giám hiệu nhà trường đã họp bàn xây dựng kế hoạch phòng chống dịch corona bắt đầu từ việc vệ sinh tiếp đến là việc khử trùng các khu vực trong trường. Nhà trường cho lập các nhóm zalo như  zalo của cán bộ, GV, nhân viên của trường, nhóm zalo của từng lớp với mục đích để trao đổi thông tin về dịch bệnh và triển khai lịch đến trường khi có công văn của cấp trên. Nhưng một tuần, rồi hai tuần trôi qua tình hình dịch bệnh không những không được khống chế mà còn lan rộng  với những thiệt hại to lớn về người và của trên toàn cầu. Vậy là những nhóm zalo với mục đích chỉ để thông tin liên lạc, giờ đã thành nơi để trao đổi chuyên môn giữa GV với nhau,  còn  zalo của các nhóm lớp là nơi trao đổi nội dung học tập với học sinh và phụ huynh. Không ít rắc rối đã nảy sinh từ đây. Sau đây là một số câu chuyện theo thứ tự thời gian trong dịp nghỉ covid19.

Câu chuyện thứ nhất: “ Không để ai đứng ngoài cuộc”.

Trong những ngày đầu nghỉ chống dịch, khi mà chưa có lệnh giãn cách xã hội, trường tôi vẫn tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn như: Đọc sách giáo khoa lớp 1; Thảo luận lựa chọn sách giáo khoa lớp 1; quay video các tiết dạy của các GV trong trường để đưa lên zalo cho các em học tập. Đây là các hoạt động của tổ nhóm chuyên môn nên với sự hợp tác của các thành viên trong tổ công việc đã hoàn thành tốt. Nhiều video không những hấp dẫn với HS mà còn thuyết phục được cả chính những đồng nghiệp của mình đã được đăng tải trên cổng thông tin điện tử của trường. Xen kẽ các hoạt động chuyên môn là  những buổi lao động vệ sinh các khu vực trong trường. Các đồng chí giáo viên, nhân viên khi được phân công nhiệm vụ thì hầu hết hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với tinh thần trách nhiệm cao. Tuy nhiên không tránh khỏi 1 số GV với lý do nghỉ chống dịch nên thực hiện các nhiệm vụ không tích cực. Vì vậy đồng chí hiệu trưởng đã có ý kiến chỉ đạo: “Các đồng chí đã nghe Thủ tường chính phủ từng nói: “Trong trận chiến chống dịch covid này, Việt Nam quyết tâm không bỏ lại ai phía sau”, còn tôi yêu cầu các đồng chí giáo viên nhân viên trong trường  trong trận chiến chống dịch covid này, chúng ta sẽ không để ai đứng ngoài cuộc vì chúng ta vẫn được hưởng 100% lương của nhà nước nên không có lý do gì để các đồng chí đứng ngoài cuộc được”. Thế là vì không muốn là người đứng ngoài cuộc nên chúng tôi ai cũng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Câu chuyện thứ hai: Nghỉ dịch chứ không nghỉ học.

          Tình hình covid19 ngày càng phức tạp, không biết khi nào HS mới có thể đến trường. Nếu cứ để tình trạng này kéo dài thì nguy cơ tái mù của HS rất cao. Ban giám hiệu nhà trường họp và quyết định yêu cầu GV chủ nhiệm các lớp sẽ trực tiếp giao bài trên các nhóm zalo với 3 môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh đồng thời phân công từng đồng chí trong ban giám hiệu phụ trách từng khối để theo dõi lượng bài, của GV đưa lên, lượng HS tham gia và thống kê kết quả để báo cáo với hiệu trưởng nhà trường với tinh thần “ Nghỉ dịch chứ không nghỉ học”. Rất nhiều các đồng chí GV từ trước tới nay không hề quan tâm đến mạng xã hội thì đây là một vấn đề hết sức khó khăn đặc biệt là những GV đang đứng trước ngưỡng cửa về hưu như cô Lan lớp 3A3, cô Tâm lớp 1A2, cô Thắm lớp 2A7. Mặc dù vậy, khi thấy đồng nghiệp tổ chức tốt việc dạy học trên zalo thì các cô cũng rất quyết tâm sẽ học tập để cũng có thể làm như các đồng nghiệp. Những ngày đầu mới khó khăn làm sao. Các cô đã mang máy đến nhà đồng nghiệp hỏi về cách đưa bài lên, cách chấm bài và chữa bài cho HS sao cho chi tiết tỉ mỉ và thực hành ngay tại chỗ cho đến khi thành thạo. Cũng may, thời gian này có không ít các cô cậu sinh viên từ các trường đại học về nghỉ nên nếu cô nào không gần nhà đồng nghiệp thì việc nhờ các cô cậu sinh viên này hỗ trợ chút xíu cũng không phải là chuyện khó.

Học trên zalo cũng không khác học trên lớp là mấy khi mà những HS tích cực thì cứ nhắn tin xin cô giao thêm bài tập còn những HS lười biếng thì GV gọi điện, nhắn tin đều không có phản hồi. Nhiều GV rất sáng tạo và đa dạng trong việc đưa bài lên zalo. Cụ thể là: lúc thì ra đề bài trên word, lúc thì sưu tầm những đoạn video hoặc tranh  ảnh, tư liệu phục vụ cho chính nội dung bài tập đã đăng trên zalo nên cũng gây được hứng thú và lôi cuốn HS. Việc giao bài, chấm chữa bài trên zalo cũng nhận được sự đồng tình ủng hộ của phần lớn cha mẹ HS. Nhiều bậc cha mẹ đã vào để hỏi ý kiến cô giáo, cùng học với các con của mình nên tỉ lệ HS tham gia vào các nhóm zalo đạt xấp xỉ 90%. Đây cũng coi như là một thành công của nhà trường trong mùa dịch khi mà đã thực hiện được tinh thần “Nghỉ dịch chứ không nghỉ học”.

          Câu chuyện thứ ba: Tin nhắn zalo

          Theo sự phân công của ban giám hiệu thì hiệu trưởng theo dõi zalo của cả 31 lớp, mỗi hiệu phó theo dõi 2 khối lớp mà mỗi khối có từ 6 đến 7 lớp cộng với các nhóm zalo của GV nên số lượng tin nhắn zalo nhận được mỗi ngày của GV và các đồng chí trong ban giám hiệu rất nhiều. Đấy là theo yêu cầu của đ/c hiệu trưởng GV gửi đề bài lên nhóm zalo của lớp để thống kê số bài, còn HS gửi bài lại vào zalo cá nhân GV để tránh tình trạng HS coi bài của nhau. Mặc dù vậy thì mỗi lần mở máy điện thoại hàng chục, thậm trí hàng trăm tin nhắn zalo được gửi đến làm nóng cả máy. Trước khi đi ngủ mặc dù ở thời điểm rất khuya nhưng hầu hết chúng tôi đều phải tắt mạng mới có thể yên trí ngủ được. Những ngày đầu khi mới thực hiện giao bài trên zalo, nhiều phụ huynh và HS vẫn cứ gửi bài lên nhóm chung làm cô giáo lại phải có thêm thao tác dỡ bỏ và nhắn tin nhắc nhở phụ huynh, HS gửi bài vào zalo cá nhân của mình. Dần dần mọi việc cũng trở thành quen, HS, cha mẹ HS khá thành thạo và chủ động trong trao đổi bài với GV và cả với những cha mẹ HS và học sinh HS trong lớp tạo thành phong trào học tập trên zalo khá sôi nổi.

Câu chuyện thứ tư: Chuyện họp và học trực tuyến.

Thời điểm cao điểm của mùa dịch covid19 chính là thời điểm lệnh giãn cách xã hội được ban hành và thực hiện. Lúc này, để triển khai các công việc nhà trường buộc phải tiến hành họp trực tuyến qua phần mềm ứng dụng zoom. Ngay buổi họp trực tuyến đầu tiên không ít những chuyện buồn cười xảy ra chắng hạn đ/c hiệu trưởng nói: “ Ai có ý kiến phát biểu thì giơ tay”, có đồng chí giơ tay mãi nhưng không thấy hiệu trưởng gọi phát biểu ý kiến đành lên tiếng: “ Tôi giơ tay mãi mà không thấy hiệu trưởng gọi phát biểu gì cả” , đến lúc đó mọi người mới vỡ lẽ là đ/c đó giơ tay như khi họp trực tiếp. Lại có đ/c được hiệu trưởng gọi lên phát biểu ý kiến nhưng gọi mãi cũng không thấy phát biểu mặc dù vẫn nhìn thấy camera của đ/c đó hoạt động, lát sau đồng chí đó nhắn tin lại là: “ Máy em làm sao ấy, em không phát biểu được ạ!”.

Ở thời điểm đó chúng tôi đang sinh hoạt chuyên môn để triển khai xây dựng kế hoạch dạy học các môn của học kỳ II theo khung thời gian năm học mà BGD vừa ra quyết định. Công việc thì nhiều, ngoài việc sinh hoạt chuyên môn, chúng tôi còn phải thực hiện giao bài trên zalo cho HS và dạy học trực tuyến qua zoom. Như các đồng chí đã thấy, họp trực tuyến đã nhiều vấn đề học trực tuyến lại càng nhiều vấn đề hơn. Theo sự phân công của hiệu trưởng thì ban giám hiệu sẽ vào các lớp để dự giờ các lớp học trực tuyến theo thời khóa biểu nhà trường đã xây dựng. Vào những buổi học đầu tiên giáo viên đã vô cùng vất vả khi phải hưởng dẫn HS cách bật, tắt mic và camera. Các đồng chí GV đều nhận định việc ổn định tổ chức lớp trực tiếp đã khó, việc ổn định tổ chức lớp trực truyến còn khó hơn rất nhiều. Đã thế rất nhiều yếu tố ngoại cảnh tác động đến giờ học, chẳng hạn phụ huynh quát mắng con  rồi thậm trí nói tục, chửi bậy, có người còn mặc quần đùi, cởi trần lượn trước màn hình rất phản cảm, tuy nhiên, GV rất nhanh trí xử lý ngay không để ảnh hưởng đến HS trong lớp. Lại có những HS thích chơi, không thích học nên nếu cô giáo không để ý còn tắt camera để nghịch cho cô giáo không nhìn thấy được. Thế là cô giáo lại phải nhắc” Đề nghị các em bật camera lên để cô quan sát nhé!”. Đúng là “ Nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”, cho dù học kiểu gì thì GV cũng phải làm tốt công tác ổn định tổ chức lớp thì hiệu quả mới cao được.

Dạy học trực tuyến tuy vất vả nhưng cũng phát huy được sức sáng tạo của rất nhiều GV trong trường. Có những đ/c sử dụng rất nhiều cách khác nhau để truyền đạt kiến thức đến HS như dùng powerpoint, dùng word, dùng video, tranh ảnh, dùng bảng… nhờ đó mà các tiết học trực truyến trở nên rất sôi nổi, hấp dẫn HS tiêu biểu là các lớp 5A1 cô Huê, 2A1 cô Tươi; 1A5 cô Cồ Thủy; 1A6 cô Đỗ Thủy, 2A4 cô Phương; 5A2 thầy Chung…

Chuyện thứ năm: Thu hoạch lớn nhất trong mùa dịch covid

Theo các bạn thu hoạch lớn nhất của trường tôi trong mùa dịch covid là gì? Vâng xin được trình bày kết luận của đ/c hiệu trưởng ngay trong buổi họp hội đồng khi lệnh giãn cách được dỡ bỏ như sau: “Trước đây, với hầu hết GV trong trường thì việc học tập nâng cao trình độ tin học luôn được GV trì hoãn với rất nhiều lý do khác nhau kiểu như tôi già rồi vài năm nữa về hưu chẳng học làm gì hay con em còn nhỏ để vài năm nữa em học bù cũng không sao vv và vv. Thế mà dịch covid tràn qua chẳng ai bảo ai tất cả đều phải tự học, tự làm và các đồng chí cũng đã làm rất tốt. Theo tôi thu hoạch lớn nhất của trường ta trong mùa dịch covid chính là trình độ tin học của GV đã được nâng cao. Tôi có thể khẳng định đến thời điểm này, không cần cấp chứng chỉ nhưng  toàn bộ GV trong trường đều đạt ít nhất là trình độ B về tin học.”  Các bạn nghĩ sao? Còn tôi, tôi thấy đây là một kết luận chuẩn không cần chỉnh.

Câu chuyện cuối cùng: Chiếc khẩu trang.

Ở trường tôi có tôi và đ/c Huê là hai người không bao giờ đeo khẩu trang. Cho dù trời nắng cháy da, cháy thịt hay trời rét thấu xương thì chưa bao giờ khẩu trang lại là vấn đề với chúng tôi cả. Mùa dịch này đã buộc chúng tôi phải thay đổi. Thật vậy, từ khi Thủ tướng chính phủ kêu gọi mọi người cần phải đeo khẩu trang khi đến những địa điểm công cộng thì việc đeo khẩu trang với chúng tôi cứ như bị tra tấn vậy. Đã thế vì trong ban giám hiệu nhà trường, tôi được phân công trực một khu nên ít nhất ngày 1 lần tôi phải đến trường kiểm tra khái quát 1 vòng mà đã ra đường thì phải đeo khẩu trang nên lâu dần cũng thành quen.

Khi lệnh giãn cách xã hội được gỡ bỏ, chúng tôi đến trường và điều đầu tiên tôi nhận ra đồng chí Huê cũng đã rất tích cực đeo khẩu trang. Nhưng nói các đồng chí đừng cười bởi chỉ có người trong cuộc như chúng tôi mới nhìn ra được, đó là mặc dù cùng kích cỡ với khẩu trang của các đ/c trong trường nhưng không hiểu sao khẩu trang của chúng tôi cứ bị tuột xuống bên dưới mũi.

Trên đây là những câu chuyện về GV trường tôi trong mùa dịch covid. Tôi viết lại những câu chuyện này không hy vọng mình sẽ đạt giải thưởng nào đó mà chỉ với mong muốn mình sẽ lưu lại những ký ức khó quên trong mùa dịch covid lịch sử này.

                                                    Đồng Sơn, những ngày tháng 5 năm 2020

                                                                        Người viết

 

 

                                                               Nguyễn Thị Thu Hà